Từ năm 1999 tới nay, chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) đã có những thay đổi lớn về định hướng: từ đối tượng chăm sóc rối loạn tâm thần nặng đến mở rộng tới các loại rối nhiễu tâm trí khác, từ phương pháp điều trị bằng thuốc đến hình thành các phương pháp tâm lý trị liệu, từ tập trung vào việc điều trị đến hình thành một chương trình chăm sóc SKTT toàn diện. Với mục tiêu đem lại một cái nhìn tổng quan về xu hướng phát triển của chương trình chăm sóc SKTT dựa vào cộng đồng, sự ra đời ngành Công tác xã hội và ngành Tâm lý học tại Việt Nam, bài viết dưới đây tạm chia thành 3 giai đoạn phát triển và điểm qua những chính sách góp phần tạo nên những sự thay đổi trong mỗi giai đoạn theo nhận định và quan điểm cá nhân của tác giả.
Giai đoạn 1999 – 2010: Bộ y tế (BYT) đóng vai trò chủ đạo trong quản lý chăm sóc SKTT, tập trung vận hành theo mô hình điều trị tại bệnh viện, chưa có sự hợp tác liên ngành với các Bộ khác, kể cả Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội (BLĐTBXH). Phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc. Các phương pháp tâm lý trị liệu, can thiệp hỗ trợ/ điều trị tại cộng đồng bằng những phương pháp không dùng thuốc hầu như chưa được triển khai trong cả nước.
- Khởi đầu từ năm 1999 với Dự án Chăm sóc SKTT được BYT khởi thảo, triển khai năm 2001 cho hai đối tượng tâm thần phân liệt và động kinh. Chương trình tập trung phát triển mạng lưới phát thuốc điều trị tại cộng đồng thông qua mạng lưới y tế xã (Trạm y tế và nhân viên y tế thôn bản), đến cuối năm 2010 đạt độ phủ 70% số xã trên toàn quốc. Mục tiêu chương trình giảm rõ rệt tỷ lệ bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú và thời gian nằm viện, giảm tải cho các Bệnh viện tâm thần và khoa tâm thần trong Bệnh viện đa khoa. Từ năm 2006 chương trình mở rộng triển khai thí điểm cho bệnh nhân trầm cảm tại một vài xã [1].
- Chương trình Phòng chống một số bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2002 – 2010 do BYT đề nghị, tập trung vào 4 nhóm bệnh trong đó có rối loạn SKTT (động kinh và trầm cảm). Tuy nhiên đến năm 2010, cấu phần chăm sóc SKTT vẫn chưa được triển khai [1] do nhiều nguyên nhân thiếu hụt từ nhân lực, nguồn lực và chưa có sự phối hợp liên ngành.
- Luật Khám chữa bệnh năm 2009 [2], quy định bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng “bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát, hoặc gây nguy hiểm cho người khác theo quy định của pháp luật”. Đối với trường hợp bệnh nhân tâm thần đã được “điều trị ổn định mà vẫn không có người nhận, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thông báo cho cơ sở bảo trợ xã hội để tiếp nhận người bệnh”. Vai trò của các cơ sở bảo trợ xã hội trong giai đoạn này chủ yếu là quản lý các đối tượng bệnh tâm thần được chuyển giao từ các cơ sở y tế về cộng đồng.
- BLĐTBXH đã đề xuất những chính sách hỗ trợ xã hội thường xuyên cho đối tượng bệnh tâm thần sống độc thân không nơi nương tựa, kinh phí hàng tháng: 45,000 đồng/ người/ tháng với người bệnh do xã, phường quản lý; 100,000 đồng/ người/ tháng tại cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước, thể hiện qua Nghị định 07/2000/NĐ-CP [3]. Tiếp đó, Nghị định 67/2007/NĐ-CP [4], 13/2010/NĐ-CP [5] về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội do BLDTBXH đề nghị, nâng mức trợ cấp xã hội cho bệnh nhân tâm thần tại xã phường 270,000 đồng/ người/ tháng; 450,000 đồng/ người/ tháng tại cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước.
Giai đoạn 2011-2020: Tạo lập nghề Công tác xã hội tại Việt Nam, trong đó có “Công tác xã hội trong chăm sóc y tế” làm nền tảng nguồn nhân lực cho công tác chăm sóc SKTT dựa vào cộng đồng. BLĐTBXH đóng vai trò chính trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai trong công tác dự phòng rối nhiễu tâm trí (RNTT), chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần và mở rộng đối tượng RNTT trong cộng đồng. Theo quan điểm tác giả, khái niệm RNTT đề cập đến các dạng rối loạn tâm thần nhẹ có thể được dự phòng/ can thiệp trong cộng đồng, được đưa ra để phân biệt với các rối loạn tâm thần nặng (tâm thần phân liệt, trầm cảm) cần được can thiệp/ điều trị tập trung trong bệnh viện.
- Nghị quyết 32/2010/QĐ-TTG [6] phê duyệt đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 theo đề xuất của BLĐTBXH, công nhận và chuẩn hóa nghề Công tác xã hội, tập trung phát triển chất lượng chuyên môn, kỹ năng cho đội ngũ nhân lực. Trong giai đoạn này, BYT đóng vai trò chuyên môn, “hướng dẫn nghiệp vụ y tế trong điều trị và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng và trong các cơ sở bảo trợ xã hội; nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế về chăm sóc SKTT.”
- Quyết định 1215/QĐ-TTG [7], phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020, quy đinh vai trò chính của BLĐTBXH trong việc “xây dựng kế hoạch triển khai Đề án”, truyền thông nâng cao nhận thức người dân, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Bên cạnh hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, mục tiêu phát triển cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí để cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho những người RNTT, người tâm thần. Tuy nhiên đến hiện tại, các cơ sở cung cấp dịch vụ tâm lý trị liệu rất hạn chế, chưa có quy chuẩn về chất lượng và dịch vụ.
- Quyết định 376/ QĐ-TTG [8], phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 – 2025 do BYT đề nghị, không còn đề cập trực tiếp đến các rối loạn tâm thần như giai đoạn trước.
- Trong quyết định 3556/ QĐ-BYT [9] về việc “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine”, tư vấn tâm lý được nhắc đến như một nguyên tắc điều trị, chưa có hướng dẫn cụ thể phương pháp tư vấn tâm lý.
- Năm 2017, UNICEF phối hợp với BLĐTBXH phát hành “Tài liệu hướng dẫn thực hành công tác xã hội trong chăm sóc SKTT” tập trung vào các rối loạn tâm thần phổ biến trong cộng đồng: trầm cảm, lo âu, động kinh, tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ người lớn tuổi. Đây là một bước quan trọng chuẩn hóa việc đào tạo cho đội ngũ công tác xã hội trong chăm sóc y tế.
Giai đoạn 2021 – 2030: Tạo lập nghề “Nhà tâm lý học” tại Việt Nam tách biệt khỏi nghề bác sỹ tâm thần, tạo nền tảng nhân lực đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham vấn, trị liệu tâm lý trong xã hội. Do tác động của đại dịch COVID 19, BYT bên cạnh chuyên môn điều trị, chủ động phối hợp với BLDTBXH đẩy mạnh công tác phòng, chống các rối loạn SKTT. Bước đầu có những quy định cho chức danh “Tâm lý học lâm sàng”.
- Theo quyết định số 34/2020/QĐ -TTG [10], chức danh “Nhà tâm lý học” chính thức có trong danh mục nghề nghiệp Việt Nam đánh dấu một bước tiến lớn cho ngành Tâm lý học Việt Nam.
- Trong “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp” năm 2020 do BYT ban hành số 2058/ QĐ-BYT [11], trong sơ đồ/ phác đồ điều trị, bên cạnh điều trị hóa dược, liệu pháp tâm lý và điều trị hỗ trợ được cụ thể hóa theo từng loại rối loạn tâm thần.
- Quyết định 1929/QĐ-TTG năm 2020 [12], Phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người RNTT dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 theo đề nghị của BLDTBXH, đã nêu cụ thể các đối tượng của chương trình phù hợp với mô hình bệnh tật trong xã hội bao gồm: tâm thần phân liệt, động kinh, tổn thương não, chậm phát triển trí tuệ, nghiện chất kích thích, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn stress sau sang chấn tâm lý.
- Quyết định 155/ QĐ-TTG năm 2022 [13], phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn SKTT giai đoạn 2022-2025 do BYT đề nghị, tập trung vào các rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm: tâm thần phân liệt, động kinh, sa sút trí tuệ, trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác. BYT phối hợp với BLĐTBXH triển khai hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị, phục hồi chức năng.
- Thông tư 17/2022/TT-BYT [14] năm 2022 của BYT, quy định nhiệm vụ khám chữa bệnh tâm thần của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trong đó có nhiệm vụ “thực hiện các liệu pháp tâm lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, âm nhạc trị liệu, phục hồi chức năng tâm thần xã hội và các liệu pháp khác…”, tạo điều kiện cho lĩnh vực tâm lý học lâm sàng có chỗ đứng trong bệnh viện.
- Theo quy định trong Luật Khám chữa bệnh 15/2023/QH15 [15] năm 2023, quy định “Tâm lý lâm sàng” là chức danh chuyên môn cần có giấy phép hành nghề. Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện nhiệm vụ đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh từ ngày 01/01/2029 đối với chức danh “Tâm lý lâm sàng”.
Hiện tại, nhu cầu về tư vấn tâm lý, trị liệu RNTT trong xã hội ngày càng gia tăng, trong khi năng lực cung cấp dịch vụ và chuẩn hóa chất lượng dịch vụ của ngành Tâm lý học đang ở mức thấp. Các bài viết tiếp theo sẽ phân tích những xu hướng trong ngành tâm lý học trên thế giới và tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. RTCCD-MOLISA, Đánh giá Thực trạng Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Tâm thần thuộc quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, WHO tại Việt Nam, 2011.
2. Luật số: 40/2009/QH12 Luật khám bệnh, chữa bệnh được Quốc Hội thông qua ngày 23/11/2009.
3. Nghị định 07/2000/NĐ-CP Về chính sách cứu trợ xã hội ngày 9/3/2000.
4. Nghị định 67/2007/NĐ-CP Về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội ngày 13/4/2007.
5. Nghị định 13/2010/NĐ-CP ngày 27/2/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 67/2007/NĐ-CP.
6. Quyết định 32/2010/QĐ-TTG Phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội 2010 – 2020 ngày 25/3/2010.
7. Quyết định 1215/QĐ-TTG Phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 ngày 22/7/2011.
8. Quyết định 376/ QĐ-TTG Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 – 2025 ngày 20/3/2015.
9. Quyết định 3556/ QĐ-BYT ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine” ngày 10/9/2014.
10. Quyết định số 34/2020/QĐ -TTG ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam ngày 26/11/2020.
11. Quyết định 2058/ QĐ-BYT “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp” ngày 14/5/2020.
12. Quyết định 1929/QĐ-TTG Phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 ngày 25/11/2020.
13. Quyết định 155/ QĐ-TTG phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn SKTT giai đoạn 2022-2025 ngày 29/1/2022.
14. Thông tư 17/2022/TT-BYT Quy định nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh tâm thần của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngày 30/12/2022.
15. Luật Khám chữa bệnh 15/2023/QH15 ngày 9/1/2023.Linh Bui – Dược sĩ, Thạc sĩ Tâm lý học, Thành viên Hiệp hội Tâm lý Học Anh (BPS). Hiện tại, tôi đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Tôi quan tâm đến nghiên cứu về trị liệu siêu nhận thức (metacognitive therapy), trị liệu dựa vào tự nhiên, và các phương pháp điều trị thay thế thuốc cho rối nhiễu tâm trí/ rối loạn tâm thần trong xã hội. Tôi yêu thích công việc cộng đồng và hy vọng đóng góp vào việc phát triển chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam.